Thứ Tư, 18 tháng 9, 2019

Đề xe máy kêu tạch tạch – Nguyên nhân và cách xử lí tránh mất tiền oan

Xe máy cũng như con người, sau 1 thời gian hoạt động không ngừng nghỉ chắc chắn sẽ có những lúc xe gặp vấn đề. Một trong những trường hợp điển hình nhất của xe đến tuổi là đề xe máy không lên hoặc đề xe máy kêu tạch tạch. Trong bài viết ngày hôm nay, Chuyện xe sẽ chia sẻ những nguyên nhân chính và giải pháp phù hợp cho các chủ xe máy đang gặp tình trạng trên. 

Thường khi đề xe máy kêu tạch tạch, vấn đề sẽ nằm ở củ đề. Để hiểu hơn về vấn đề này, trước tiên ta hãy tìm hiểu cấu tạo của củ đề xe máy nhé!

Cấu tạo củ đề xe máy

Củ đề xe máy có chức năng khởi động động cơ thông qua việc kéo thả và làm quay bánh răng. Trên các loại xe số, ta thường có thêm bàn đạp, còn trên xe ga thì chỉ có mỗi củ đề để khởi động xe. Củ đề xe máy có cấu tạo khá đơn giản bao gồm hai phần chính là cuộn cảm và động cơ. Chi tiết các bộ phận bao gồm:

Vỏ

Vỏ thường sẽ có chức năng bảo vệ các bộ phận bên trong. Bên cạnh đó, trên lớp vỏ củ đề còn có nam châm, có tác dụng tạo từ trường, đảm bảo duy trì các đường sức từ. 

Mô tơ

Mô tơ củ đề có tác dụng tạo ra 1 lực đủ lớn để làm động cơ đốt trong hoạt động. Đây cũng là bộ phận quan trọng nhất trong củ đề.

Công tắc từ 

Công tắc từ là nơi bắt đầu dòng điện chạy tới mô tơ. Công tắc từ còn có chức năng đẩy và hút bánh răng để ăn khớp với bánh đà.

Cần dẫn động (Thanh chạc)

Cần dẫn truyền chuyển động của công tắc từ tới bánh răng. Nhờ chuyển động này bánh răng khởi động được đưa vào ăn khớp và nhả khớp với bánh đà.

Bánh răng 

Bánh răng sau khi được đẩy vào ăn khớp với bánh đà, nó sẽ tạo lực chuyển động cho động cơ.

Củ đề thường có tuổi thọ rất cao, ít khi bị hư hỏng. Tuy nhiên, qua 1 thời gian dài sử dụng không bảo hành, bảo dưỡng, chắc chắn củ đề cũng gặp phải những lỗi lặt vặt. 

Cách hoạt động của củ đề xe máy

Khi bắt đầu vặn chìa khoá về nút ON, dòng điện một chiều khoảng 30 ampe sẽ được nạp từ ắc quy qua cuộn cảm, làm từ hoá các cuộn dây. Nhờ từ trường, pít tông của công tắc từ sẽ được nam châm hút vào, đồng thời làm đẩy bánh răng vào ăn khớp với bánh đà, lúc này mô tơ cũng được khởi động.

Khi nhấn nút khởi động, dòng điện từ ắc quy khoảng 300 ampe sẽ chạy trực tiếp qua cuộn cảm và cuộn ứng. Từ trường làm quay cuộn dây với tốc độ cao khiến động cơ được vận hành. Pít tông lúc này được giữ lại. Lực điện từ trong cuộn cảm sau đó sẽ tự triệt tiêu, pít tông quay lại vị trí cũ và máy khởi động được dừng lại.

Các lỗi thường gặp trên củ đề

Mòn chổi than 

Chổi than qua một thời gian sử dụng sẽ bị mòn. Phần mạt do chổi than sinh ra nếu không được kiểm tra, làm sạch, sẽ bám vào nam châm vĩnh cửu ở vỏ máy khởi động. Nếu lượng mạt than quá nhiều, bề mặt tiếp xúc giữa Rotor và Stator sẽ giảm dần, lâu ngày dẫn đến tình trạng kẹt, bong lớp nam châm của Rotor. Điều này dẫn đến việc đề xe rất yếu hoặc chết hẳn.

Bị vả đề

Do IC (bộ phận đánh lửa) đánh lửa quá sớm (trước cả khi động cơ đánh lửa), gây nên hiện tượng nổ ngược (chiều quay của mô tơ củ đề bị ngược với chiều quay của động cơ). Khi sự cố này xảy ra, bánh răng và bánh đà sẽ bị gãy hoặc biến dạng. Dấu hiệu nhận biết đó là khi khởi động xe, bạn sẽ không thấy xe nổ mà thay vào đó là những tiếng động rất chói tai (tiếng va của các bánh răng) 

Han gỉ mối nối

Mối nối giữa đầu vào của củ đề và đầu ra của bình ắc quy thường được làm bằng đồng hoặc nhôm nên tình trạng han gỉ là không thể tránh khỏi. Khi bị mòn, gỉ, dòng điện sẽ không thể được truyền tải để tạo ra mô men quay lớn, từ đó xe sẽ không thể được khởi động

Hỏng rơ le

Rơ le hay bộ cảm là bộ phận có chức năng hút và nhả bánh răng ăn khớp với bánh đà của động cơ. Khi bạn gặp trường hợp xe đề không nổ kêu tạch tạch thì chứng tỏ vấn đề nằm ở rơ le. Khi nguồn điện đi qua rơ le gặp vấn đề, gây nên tình trạng hút nhả bánh răng liên tục, lâu ngày sẽ khiến trượt đề, vỡ răng và ảnh hưởng toàn bộ củ đề. Ngoài ra, tiếng kêu tách tách còn có thể xuất phát từ vị trí tiếp xúc giữa cuộn cảm và mô tơ. Để khắc phục, bạn có thể gõ nhẹ để làm rơi bụi bẩn khỏi củ đề.

Xe đề không nổ là do đâu

Bên cạnh việc xe đề không nổ kêu tạch tạch, thì cũng có rất nhiều nguyên nhân khiến xe không nổ máy. Bạn hãy tìm hiểu kĩ trước khi đem ra tiệm sửa để tránh mất tiền oan nhé.

Hết bình điện

Đây là lỗi dễ nhận biết nhất, khi vặn chìa khoá khởi động mà bạn thấy đèn pha, đồng hồ, xi nhan, còi.. không còn hoạt động thì bình ắc quy của bạn đã hết điện. Bạn có thể câu điện từ xe khác hoặc bình điện khác để “sạc" bằng cách nối các đầu khớp với nhau. Tuy nhiên, khi đã có điều kiện bạn hãy tiến hành thay bình mới để đảm bảo an toàn sau này, giá của bình ắc quy mới thường rơi vào khoảng 300.000 VNĐ.

Hỏng bugi đánh lửa

Khi nhấn nút đề xe, bạn vẫn cảm thấy xe rung nhưng không nổ máy, thì có thể vấn đề nằm ở bugi đánh lửa. Xe khởi động bằng cách hút gió và nhiên liệu vào xi lanh, bugi có nhiệm vụ đánh lửa để kích nổ buồng đốt. Chính vì thế, khi gặp hiện tượng trên bạn hãy kiểm tra bugi có vấn đề gì không, nếu không có thì hãy kiểm tra xăng gió nếu bạn sử dụng xe có bộ chế hoà khí hoặc hệ thống phun xăng điện tử.

Hỏng củ đề

Thường khi đề xe không lên, bạn có thể chuyển qua cách đạp máy để xem có hiệu quả không. Nếu xe vẫn nổ được bằng cách này thì bạn hãy xem xét thay thế công tắc đề. Còn nếu đạp máy vẫn không nổ, điển hình là đề xe máy kêu tạch tạch, thì đã đến lúc bạn kiểm tra củ đề, đặc biệt là rơ le (cuộn cảm).

Dầu xe quá đặc

Dầu xe bị đặc hoặc bị cũ do lâu ngày không thay thế thì cũng sẽ làm cho xe khó nổ. Các bộ phận trong xe sẽ phải ma sát qua lớp dầu đặc này nên việc vận hành sẽ không được trơn tru.

Xăng bị “lạnh"

Vào buổi sáng sớm hoặc khi thời tiết lạnh, xăng sẽ thường bị giảm khả năng bay hơi, gây nên hiện tượng thiếu hơi xăng vào buồng đốt do đó xe cũng khó nổ được vào thời gian này. Để khắc phục bạn có thể kéo le gió để đưa được lượng xăng tối đa vào buồng đốt. Sau khi đề máy đã đủ ấm, bạn hãy kéo le gió về vị trí cũ để xe hoạt động bình thường. Ngoài ra, việc đạp xe để khởi động cũng giúp tăng lượng nhiên liệu và oxi vào buồng đốt, khiến cho việc đề máy được thuận lợi hơn.  

Bảo quản xe bằng cách nào để xe luôn đề được

Để tránh những trường hợp xe khó đề hoặc không đề được như ở trên, bạn hãy chú ý luôn để xe ở những nơi khô ráo, tránh để dưới ánh nắng trực tiếp cũng như ở môi trường lạnh quá lâu. Ngoài ra, bạn cũng nên thường xuyên kiểm tra các bộ phận quan trọng trên xe, tiến hành làm sạch, bảo dưỡng định kì để xe của bạn luôn ở trong tình trạng tốt nhất. 

Thường khi củ đề có trục trặc, các thợ sửa xe chỉ muốn thay củ đề mới. Nếu bạn là một người ưa mày mò, thông qua bài viết này bạn đã có thể tự sửa được củ đề trong một số trường hợp. Nhưng hãy chú ý nguồn điện để không gây nguy hiểm nhé. 

Trên đây là những chia sẻ của Chuyện xe trong các vấn đề liên quan đến khởi động xe cũng như đề xe máy kêu tạch tạch. Hy vọng bài viết này có ích cho các bạn. Comment nếu bạn muốn góp ý và chia sẻ thông tin cho mọi người nhé! 



source https://chuyenxe.com/tho-va-xe/bao-tri-xe/de-xe-may-keu-tach-tach/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét